Serie 2 (6): Tây Bắc – Hóa ra cả chuyến đi chỉ là theo lối chảy dòng Đà giang


Day 5 – 6: Đi thuyền sông Đà ở hồ thủy điện Sơn La (Sơn La) – Cầu Pá Uôn (Sơn La) – Than Uyên (Lai Châu) – Mù Căng Chải (Yên Bái).


1. Hồ sông Đà Quỳnh Nhai – Biển hồ vùng cao Tây Bắc

Rời Pha Đin Pass, chúng mình tiếp tục hành trình chinh phục đèo Pha Đin dài 32km từ km số 360 đến km số 392 thuộc quốc lộ 6. Pha Đin vói mình cũng bình thường nhưng có cực nhiều cua tay áo, có những đoạn cua liên tiếp, ai lướt đèo tốt thì sẽ thấy rất thú vị còn ai nhát nhát tay thì thôi mình nghĩ cứ từ từ đi cho hết con đèo.

3 giờ chiều, bọn mình đến bến thuyền sông Đà ở Quỳnh Nhai. Đường đi đến Quỳnh Nhai cảnh hai bên đường cực kì đẹp, mấy ngôi nhà nhỏ xập xề ven đường đi, đường quanh co uốn khúc, thung lũng trải dài dưới các chân núi nối tiếp nhau, một bên còn lại vách núi xanh ngắt màu cây. Quỳnh Nhai là huyện thuộc tỉnh Sơn La, bao bọc là các dãy núi cao sừng sững cho nên có vị trí thuận lợi để tạo thành hồ thủy điện Sơn La phục vụ cho nhà máy thủy điện Sơn La.

Hồ sông Đà ở Quỳnh Nhai được ví như Vịnh Hạ Long của Tây Bắc, trước đây ở khu vực này, bên dưới lòng hồ lạnh lẽo kia là huyện Quỳnh Nhai cũ, cả một khu dân cư của người đồng bào. Nhiều bản làng ở đây đã phải di dân đến nơi khác vì mục đích khai thác thủy điện Sơn La. Phải đi rồi mới thấy cái sự to lớn về trí lực của con người, mãi mãi chúng ta không thể to lớn và chiến thắng được thiên nhiên nhưng chúng ta chọn cách hòa hợp, nương tựa vào thiên nhiên, thiên nhiên vốn không cần loài người, chỉ có chúng ta cần thiên nhiên như sinh mệnh mà thôi.

Nhóm mình thuê chiếc thuyền nhỏ và phao cứu sinh đi 1 tiếng trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền sông Đà hết 420k. Các bạn nên chốt giá trước với lái thuyền, giá chấp nhận được thì mới nên đi, đến cuối cùng sẽ có chênh lệch hơn so với ban đầu nhưng nhóm mình chấp nhận vì thương bà con đang bám trụ mưu sinh bên bờ sông Đà ở huyện nghèo này mà sống.

Bao quanh Hồ sông Đà là các dãy núi từa tựa như núi đá vôi, cảm giác như đi Vịnh Hạ Long vậy. 1 tiếng vừa đủ để các bạn đi từ bờ đến cầu Pá Uôn tiếp đến đảo Trái tim rồi quay về. Thuyền sẽ chạy tốc độ vừa phải lướt nước để du khách ngắm cảnh thoải mái.

Nắng chiều lúc 4 giờ không còn gắt nữa, các dãy núi chắn ngang bóng mặt trời đổ xuống lúc xế chiều giữa lòng hồ mát rượi.

Có thể nói đây là trải nghiệm vượt mọi kỳ vọng đặt ra trước khi đi của mình. Nhóm mình chỉ tìm kiếm đại trên bản đồ rồi mò mẫm đi thử. Sau tất cả những thử thách đến kiệt sức mấy ngày trước thì 1 tiếng lướt trên sông Đà này là thoải mái nhất. Cuối cùng không còn là chạy theo con sông Đà nữa mà được trực tiếp chạm vào mặt nước đang khua sóng đầu thuyền rẽ ngôi.

Nếu có nhiều thời gian hơn, các bạn có thể yêu cầu anh lái thuyền cho thuyền đến cột mốc trên đồi Cao Pô, đây từng là vị trí đặt trạm phát sóng truyền hình và là điểm cao nhất của huyện lị Quỳnh Nhai cũ. Các bạn hoàn toàn có thể xuôi dòng sông Đà trên thuyền từ Mường Lay đến Quỳnh Nhai hơn 100km đường sông.

Các bạn nên chỉnh chế độ Google map vệ tinh ở đoạn hồ này để thấy được sự to lớn của lòng hồ so với trước kia khi chưa xây dựng thủy điện Sơn La. Nếu chỉnh ở chế độ bản đồ các bạn chỉ thấy một đường kí hiệu sông nhỏ hẹp mà thôi!


2. Cầu Pá Uôn – cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam

Cầu Pá Uôn nằm trên quốc lộ 279 là công trình EVN đã xây dựng để tri ân đồng bào Quỳnh Nhai đã hy sinh bản cư để mở rộng lòng hồ thủy điện Sơn La và cầu Pá Uôn cũ, quốc lộ 279 cũ đã nằm sâu dưới lòng hồ thủy điện Sơn La.

Cầu Pá Uôn có trụ chính cao 130m cắm sâu vào lòng hồ, là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại.


3. A hay B hay C? – Người tính không bằng trời tính

Khi lên kế hoạch đi chơi ở buổi tối ngày 5, mình với Tuấn có đưa ra 3 kế hoạch dự trù:

  • Plan A: Ngủ ở Quỳnh Nhai đêm 5 và hôm sau chạy từ Quỳnh Nhai đến Than Uyên rồi về thẳng Sapa.
  • Plan B: Ngủ lại ở Than Uyên và sáng tiếp theo đi từ Than Uyên quay ngược lại ngã ba Mường Kim để vào Mù Căng Chải – Yên Bái thăm ruộng bậc thang. Nếu thời gian cho phép có thể đến chân đèo Khau Phạ và hoàn thành nốt con đèo cuối cùng trong Tứ đại đỉnh đèo. Sau đó từ Mù Căng Chải chạy thẳng về Sapa.
  • Plan C: Cố gắng chạy tới Mù Căng Chải và qua đêm ở đó. Sáng hôm sau chắc chắn có nhiều thời gian để đi Khau Phạ hơn và có thể chinh phục một nửa con đèo này (tới xã Cao Phạ) rồi quay về Sapa.

Sau ngày 4 chạy 196km từ A Pa Chải về Mường Lay, nhóm mình khá tự tin sẽ “tải” nổi lịch trình Plan C. Ngay cả khi đã đến Quỳnh Nhai của ngày 5 thì lịch trình vẫn rất chuẩn theo dự kiến nên cả nhóm quyết định sẽ đi tới Mù Căng Chải luôn.

Nhưng…………

  1. Nhóm mình tốn quá nhiều thời gian khi ở Pha Đin Lộng Gió (xem bài trước để né xa thật xa ra nhé), khi đi thuyền lại nhất định đi cho đáng nên là trễ lịch trình gần 30 phút. Tổng cộng bọn mình mất hơn cả tiếng theo hành trình.
  2. Nhóm mình khi đến địa phận tỉnh Lai Châu giáp Sơn La lại tốn khoảng 20 phút vì bị lực lượng chức năng xét người, balo, hộ chiếu, xe máy vì đây là khu vực nhạy cảm với buôn lậu và ma túy. Đến cả vỉ thuốc Paracetamol cũng không khác gì hàng trắng.
  3. Do một thành viên trong nhóm là Hoàng Tuấn “cố tình” không đổ xăng và vẫn nghĩ  là mình đúng với một tá lý luận thâm sâu về tốc độ đi, quãng đường đi mặc dù mình đã hết lời khuyên răn.

Hậu quả là 6 giờ 30 phút tối, tụi mình đang ở trên đèo gần thủy điện Bản Chát thì HẾT XĂNG. Bỏ lại 4 đứa bạn giữa núi, hai mình băng băng chạy trên đường núi tối om, gặp ai cũng hỏi thăm cây xăng, chạy mãi đến Mường Kim mới có. Quay đi quay về cũng tầm 40 phút chạy xe, lúc đó đứa nhìn đường đứa lo chạy, chưa bao giờ thấy thử thách như thế.

Nhưng mà nhờ thế, bọn mình mới chịu dừng lại để ngắm cái bầu trời đầy sao của Tây Bắc mà 4 ngày trước không dám dừng vì sợ trễ plan. Ở miền xuôi, ánh đèn điện quá chói át cả ánh sáng sao trời, chỉ có khi tách biệt thế này, giữa bao la đại ngàn, buông bỏ mọi thứ thì mình mới thực sự cảm nhận hết vẻ đẹp thiên nhiên.

7 giờ 30, cả nhóm mới đến được Mường Kim, cả bọn vẫn đắn đo nên ở lại Mường Kim hay Than Uyên hay là Mù Căng Chải như ban đầu dự tính. Tính tới tính lui đủ đường bọn mình quyết định cuối cùng là đi Than Uyên.

Mình nghĩ đây là sự lựa chọn đúng đắn nhất kể từ đầu chuyến đi đến giờ. Đó là plan B, mặc dù ban đầu nhóm phân vân giữa Plan A và Plan C. Than Uyên so với Mường Kim và Mù Căng Chải phát triển hơn nhiều, đường xá rộng rãi, nhiều quán xá, nhóm mình thực sự quá may mắn.


4. Mù Căng Chải – thị trấn xa xôi nhất của tỉnh Yên Bái

Sáng hôm sau, từ Than Uyên nhóm mình quay ngược lại ngã ba Mường Kim (Giao giữa quốc lộ 279 và quốc lộ 32). Có thể nói Than Uyên là ngã tư giữa 4 tỉnh (Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái).

Đường đi Mù Căng Chải sáng đó trở lạnh, nhiều mây mù, sương dày đặc và chất lượng đường khá xấu. Càng đi càng thấy hôm qua quyết định nghỉ lại ở Than Uyên càng đúng đắn vì đường này đi đêm thì quá nguy hiểm.

Mù Căng Chải mùa này trơ khung sườn núi, không có lúa, không có con nước đổ về, tất cả chỉ là một màu đen nâu đỏ của đất rừng. Vài nấc thang ruộng phủ đầy cải vàng và tam giác mạch, một điểm nhấn sáng nhỏ giữa cái núi rừng trơ trọi.

Đường lên đèo Mâm Xôi khá dốc, các bạn nên chạy cẩn thận và hạn chế lùi số quá sâu rồi quên số tuột hẳn  về 0 như mình sẽ dễ té ngã. Đầu đường vô có để bảng hiệu dẫn đường rất dễ kiếm.

Nhóm mình không kịp chinh phục đèo Khau Phạ để hoàn thành mục tiêu Tứ đại hùng đèo. Sau này có dịp, mình sẽ đi theo quốc lộ 32 từ hướng Hà Nội lên Phú Thọ đổ qua Tú Lệ để đến Mù Căng Chải, đoạn này sẽ chinh phục được hoàn toàn hơn 30km đường đèo Khau Phạ.

Đoạn còn lại nhóm mình chạy hết quốc lộ 32 tới ngã ba Bình Lư quẹo phải theo quốc lộ 4D qua Ô Quy Hồ quay về lại Sapa. Dọc đường trên khúc gần về Sapa, các bạn nên ghé đỉnh núi Chu Va nguyên sơ gần như còn vắng dấu chân người.

Hết.

Leave a comment