Văn hóa Đông – Tây dưới góc nhìn địa lý văn hóa


Xem các bài viết mới nhất:


Hôm Chủ Nhật, gọi điện thoại cho đứa bạn bên Nhật, nó hỏi mình “Mày có chơi trò nói thật bao giờ chưa?” và “Chơi xong rồi mày thấy sao?”. Nói tới nói lui vẫn là sự khác biệt trong văn hóa giữa phương Đông và phương Tây giữa những người bạn với nhau.

Mình thích đọc và tìm hiểu về Văn hóa vùng miền, nói rộng hơn là Văn hóa giữa các vùng địa lý khác nhau. Chỉ đơn giản, mình thực sự muốn hiểu và tìm lời lý giải cho các hoạt động hằng ngày của mỗi người.

Bài này mình chỉ nói về một góc nhìn nhỏ bé chủ yếu về địa lý văn hóa hai nơi mà mình biết thôi. Chủ yếu vẫn là về phương Đông, cụ thể là Việt Nam, phương Tây mình không biết nhiều lắm.

Văn hóa có rất nhiều góc nhìn khác nhau, phải xem xét toàn diện, thấu đáo. Văn hóa giờ đây có sự pha trộn do xu thế toàn cầu hóa, vì thế mình chỉ nói về những góc nhìn từ lâu đời đến nay.

Ở bất kì đâu cũng sẽ có người thế này thế kia, trong bài biết mình nói chủ yếu về các vấn đề mang tính chất lâu đời và đặc trưng, mang tính chất đại diện cho nền văn hóa mỗi nơi, phần lớn vẫn là sự lí giải một phần về nguồn gốc và lí do ra đời những nét văn hóa khác biệt như thế.


1. Hiểu về khái niệm Văn hóa

Với mình, khái niệm Văn hóa được hiểu vô cùng thông dụng. Đó là toàn bộ các giá trị tinh thần và vật chất được tạo ra bởi con người trong mối liên hệ tương tác với môi trường thiên nhiên và xã hội, tích lũy thực tiễn qua các thế hệ.

Nhìn chung nó là trình độ văn hóa, nếp sống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, lối sống, lao động,…


2. Văn hóa phương Đông – phương Tây

Mình thấy có nhiều cách phân chia về văn hóa nhưng trong quan điểm bài này mình chỉ nhìn nhận về góc độ phân phổ biến hiện nay là “Đông” “Tây”.

Trong quá trình hình thành và phát triển của nhân loại, cựu lục địa Eurasia (còn gọi là lục địa Âu – Á) hình thành nên hai vùng văn hóa lớn:

  • Phương Tây: khu vực Tây Bắc với toàn bộ Châu Âu kéo dài đến dãy Uran.
  • Phương Đông: khu vực Đông Nam với toàn bộ Châu Á và châu Phi.

Sự khác nhau về địa lý chính là nguồn gốc lớn nhất dẫn đến sự khác nhau về văn hóa và lối sống giữa hai khu vực này.

Môi trường sinh sống của người phương Đông là nóng – ẩm, có mưa nhiều. Điều này dẫn đến sự hình thành nhiều hệ sống kênh rạch, sông ngòi, tạo ra các vùng đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu.

Ở phương Tây thì ngược lại, nền khí hậu chủ yếu là lạnh – khô, khí hậu này khiến các loại cây trồng nông nghiệp không thích hợp sinh sống, phần lớn là các dải đồng cỏ và thảo nguyên mênh mông.

Điều này dẫn đến cư dân ở hai nơi phải sinh sống bằng hai nghề chủ yếu khác nhau là trồng trọt (Đông – văn hóa gốc Nông nghiệp) và chăn nuôi (Tây – văn hóa gốc Du mục).

Sự khác nhau về ngành nghề dù có chung nguồn gốc là Nông nghiệp khiến lối suy nghĩ, nếp sống hai nơi cũng có sự khác biệt lớn.

Thuở sơ khai, con người rất phụ thuộc thiên nhiên vì thế thiên nhiên ảnh hưởng sâu sắc đến những nét sống của con người nơi đó.


3. Văn hóa gốc Nông nghiệp trồng trọt Việt Nam

Việt Nam là xứ nóng với mưa nhiều. Khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã ở Huế còn là một trong những nơi có lượng mưa thuộc hàng cao nhất thế giới. Mưa nhiều nên lượng nước lớn, sông ngòi chằng chịt. Krong, Dak, Nậm thường được đặt tên cho vùng địa lý ở nước ta cho thấy sự coi trọng về nước, về sông của người Việt.

Bốn nền văn minh lớn của phương Đông cũng là khu vực địa lý gắn liền với những con sông lớn như Ai Cập với sông Nin, Tây Á với sông Ophrat và sông Tigro, Ấn Độ với sông Ấn và sông Hằng, Trung Quốc với sông Hoàng Hà và sông Trường Giang.

Ninh Bình – Việt Nam

Với Việt Nam – phương Đông, ngành nghề trồng trọt bao gồm các loài hoa màu và lúa nước. Những loài này có thời gian sinh trưởng nhất định và nơi sống cố định. Người nông dân phải sống “định cư” tại khu vực đó. Vì sống định cư một chỗ, con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.

Khí chất minh triết phương Đông chủ yếu là tính “Tĩnh”.

Chúng ta tôn trọng thiên nhiên, sùng bái “Thiên” – “Địa”, cầu nắng, cầu mưa, cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu,…

“Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.”

Người nông dân quan sát các hiện tượng thiên nhiên, tìm ra mối liên hệ giữa chúng, sau đó đúc kết thành các kinh nghiệm quý báu và truyền lại cho đời sau. Kho tàng văn hóa Việt Nam có vô số các câu ca dao, tục ngữ để nói về những kinh nghiệm thực tiễn này.

Nông nghiệp xuất hiện từ rất sớm từ thời buổi con người còn phụ thuộc thiên nhiên

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.”

“Được mùa lúa thì úa mùa cau, được mùa cau thì đau mùa lúa.”

Lối sống cố định với làng mạc còn tạo cho người phương Đông những “cộng đồng xã hội”. Con người trọng tình nghĩa lối xóm hơn là lý lẽ, sống hòa thuận với nhau lấy cái tình làm đầu.

Lối sống tình nghĩa, coi trọng lối xóm là đặc trưng ở thôn quê nước ta

Cuộc sống nông nghiệp tự cung tự cấp, sống đầy đủ nên người phương Đông không có nhu cầu giao thương như người phương Tây, vì thế trong tính cách người phương Đông vẫn còn những nét nhỏ của sự khép kín và không quá cởi mở trong một số vấn đề.

Cũng bởi lẽ sống cố định, con người buộc phải thích ứng linh hoạt với thiên nhiên muôn trùng muôn vẻ, tính linh hoạt rất cao, cùng với lối sống tập thể,  người Việt hay có tư tưởng không coi trọng luật pháp, giải quyết vấn đề bằng tình cảm và mối quan hệ, tính tổ chức không được đề cao.

“Nhất quen, nhì thân, tam thần, tứ thế.”

“Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình.”

Con người Việt Nam rất coi trọng tình nghĩa, tài đức, văn phong, con người đặc biệt là phụ nữ.

Nằm ở vị trí giao điểm ngã tư đường, nên người Việt tiếp nhận khá nhiều nền văn hóa khác, vì chủ yếu có lối sống hiếu hòa, chúng ta luôn mềm dẻo dung hợp các nền văn hóa khác nhau khi du nhập vào nước ta. Sở dĩ có lối suy nghĩ khinh thường phụ nữ là do sự du nhập văn hóa từ Trung Quốc, đây không phải là tư tưởng bắt nguồn từ chính nước ta.

Người Việt coi “Nhất vợ nhì Trời”, “Lệnh ông không bằng cồng bà”, … Phụ nữ có công lao rất lớn trong gia đình, nhất là việc nuôi dạy con cái “Con dại cái mang”, “Phúc đức tại mẫu”, …

Từ “Cái” cũng được dùng nhiều với ý nghĩa to lớn và quan trọng: đũa cái, cột cái, trống cái,… Những từ “cái” này được hiểu với nghĩa là “mẹ”.

Văn hóa Trung Hóa đã ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa Việt Nam, tuy nhiên ở một số vùng đồng bào gần như không bị ảnh hưởng như Tây Nguyên thì vai trò của phụ nữ, lối sống theo mẫu hệ “motherlaw” vẫn còn được coi trọng mặc dù theo chế độ phụ quyền. Người Khmer gọi các người đứng đầu kèm theo từ Mê (có nghĩa là Mẹ).


4. Văn hóa gốc Du mục

Người du mục thường xuyên di chuyển qua nhiều nới không cố định để kiếm nguồn thức ăn và nước uống cho vật nuôi

Mặc dù nguồn gốc văn hóa phương Tây khởi phát từ cơ sở tiếp thu nền văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà ở phương Đông. Trong tiếng Anh, Văn hóa là “culture” được xuất phát từ tiếng Latinh “cultus” có nghĩa là trồng trọt.

Trái ngược với sự cố định ở phương Đông,  các loài vật nuôi ăn cỏ phương Tây có lối sống di động hơn, nay đây mai đó tìm thức ăn trên các cánh đồng cỏ bao la rộng lớn, sự phụ thuộc vào thiên nhiên rất ít. Bởi lẽ thế nên người phương Tây chuộng tư tưởng chủ nghĩa tự do hơn.

Các loài vật nuôi có ý nghĩa to lớn trong nền văn hóa nông nghiệp phương Tây

Khí chất văn minh phương Tây chủ yếu là tính “Động”.

Một số vùng đất vẫn có lượng mưa hàng năm khá cao tuy nhiên bề mặt địa hình lại không bằng phẳng hoặc đồng bằng rộng lớn nhưng lại có khí hậu Địa Trung Hải, tuy khá giống khí hậu nhiệt đới nhưng lượng mưa lại không nhiều.

Không có nhiều sự thuận lợi về mặt thiên nhiên – địa lý như phương Đông, khí hậu phương Tây khắc nghiệt hơn, tuy nhiên lại có nhiều lợi thế về giao thương đường biển do có nhiều biển đảo, vì thế người phương Tây phát triển rất mạnh về nghề giao thương.

Việc tiếp cận với các quốc gia khác trong quá trình buôn bán các vật phẩm và thu mua lương thực do không có điều kiện tốt để trồng trọt cũng một phần thúc đẩy sự truyền bá văn hóa đến các vùng đất mới và cả sự xâm chiếm bành trướng lãnh thổ.

Vasco da Gama đến Ấn Độ

Không quá sùng bái vào thiên nhiên, không quá cưỡng cầu vào đất trời, người phương Tây có khuynh hướng muốn chinh phục thiên nhiên hơn là đặt thiên nhiên ở vị trí Thần – Thánh.

Họ tạo ra vô số các thành tựu, họ tìm ra những vùng đất mới và chinh phạt khắp nơi, nền khoa học cũng phát triển vượt bậc. Đi đến đâu, người phương Tây có khuynh hướng bành trướng và truyền bá văn hóa, điển hình như sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Cơ Đốc Giáo ở các nước trời Tây.


Christopher Columbus và hành trình vĩ đại vô tình khám phá ra một phần châu Mỹ

Minh chứng thường được nhắc đến là văn hóa Hy Lạp – cái nôi khởi nguyên của nền văn hóa phương Tây – đạt đến trình độ cao về tổ chức xã hội, toán học, thiên văn học, canh tác, … Về sau, người La Mã kế thừa và phát huy những tiến bộ của nền văn hóa Hy Lạp, trở thành trung tâm văn minh lớn ở châu Âu. Người ta thường gọi nền văn hóa này là văn hóa Hy – La.

Chính những bước tiến lớn trong khoa học – công nghệ – kĩ thuật, sau này người phương Tây chuyển sang Thương nghiệp là chủ yếu, rồi đến Công nghiệp nhưng lối sống của họ vẫn mang đậm nét sống của người du mục.

Giao thương hàng hóa thị trường phát triển ở các quốc gia phương Tây

Thay vì coi trọng tập thể, dân chủ làng mạc thì họ coi trọng hơn về tính cá nhân, sự độc lập, sức mạnh, vì thế những người có sức mạnh thường được coi trọng, điển hình là nam giới.

Tính cá nhân cao dẫn đến sự cạnh tranh nhất định, sự vươn lên làm chủ, họ vô cùng coi trọng nguyên tắc, mọi thứ đều có luật lệ, tính tổ chức rất cao so với người phương Đông.

Dù không quá dựa vào tập thể, nhưng người phương Tây có cái nhìn về cộng đồng cao hơn, họ vẫn tôn trọng lẫn nhau và xem trọng mọi người xung quanh.

Vẫn có một số vùng đất ở nơi trời Tây có điều kiện địa lý, khí hậu giống với phương Đông và ngược lại, tại những nơi đó vẫn có nét sống giao thoa giữa hai phương.


5. Tôn trọng lẫn nhau

Cũng giống như hoàn cảnh gia đình, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thế nào sẽ tạo tính cách con người như thế ấy, văn hóa Đông – Tây cũng vậy. Xuất phát từ các vùng đất với điều kiện địa lý – lịch sử khác nhau dẫn đến sự khác biệt rất lớn trong tư tưởng.

Nếu trong khuôn khổ cho phép, mình nghĩ sự khác biệt đó khiến thế giới nhân loại trở nên thật thú vị và phong phú. Sự khác biệt đa dạng làm cuộc sống trở nên muôn màu muôn vẻ.


“Nếu tôi lý luận như một nhà triết học Trung Hoa, tôi sẽ nói rằng Phương Đông là nguyên lý âm và Phương Tây là nguyên lý dương, rằng một bên là biểu hiện của sức mạnh và hoạt động, bên kia là biểu hiện của tính vĩnh cửu và tĩnh tại, rằng cho đến nay chúng không gặp nhau, mỗi bên phát triển trong cực riêng của mình, nhưng sự gặp nhau của chúng một ngày nào đó sẽ đưa nhân loại đến một hình thức văn minh đẹp đẽ hơn, hài hoà hơn, tóm lại là nhân bản hơn và hoàn thiện hơn. “

Phạm Quỳnh

Thay vì đi đả kích văn hóa lẫn nhau, mình lại thích tìm hiểu về chúng hơn. Sự mở mang suy nghĩ và kiến thức khiến mình thích tìm hiểu nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

Trên đây chỉ là một góc nhìn bé xíu, chỉ nói một phần hạt cát giữa sa mạc, nếu có thể, sau này mình sẽ nói về nhiều hơn về vấn đề, khía canh khác nhau của Văn hóa – Con người, một chủ đề càng tìm hiểu mình lại càng lún sâu không lối thoát.


“Một số học giả cho rằng, khuynh hướng trội của phương Tây là hướng ngoại, chủ động, tư duy lý luận, đấu tranh sống còn, hiếu chiến, cá thể, phân tích, tri thức suy luận, khoa học, cạnh tranh, bành trướng, tư duy cơ giới, chú ý nhiều đến thực thể,…; còn khuynh hướng trội của phương Đông là hướng nội, bị động, trực giác huyền bí, hòa hợp, quân bình, thống nhất, tâm lý, tâm linh, tập thể, tổng hợp, minh triết, trực giác, tôn giáo, hợp tác, giữ gìn, tư duy hữu cơ, chú ý nhiều tới quan hệ,… “

Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu

Leave a comment