Serie 4 (1): Culture Trip Miền Trung – Bể tour lăng mộ Hoàng Gia

Mọi người ghé thăm các bài trước đây của Linh nhé!

Đây là chuyến đi khá đặc biệt khi tất cả các thành viên trong nhóm đều thuộc nhóm Cùng non sông cất cánh trải qua suốt 6 năm tham gia cuộc thi. Và chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ thấy chuyến này thú vị đến thế nào. Có lẽ cái khó nhất đó là sau 6 năm, chúng mình vẫn có thể cùng nhau tham gia một chuyến đi của chính mình.

Cái ngày đầu đến vói cuộc thi, ai trong chúng mình đều đặt mục tiêu có thể tham gia chuyến đi ở trận chung kết mỗi năm, có những lúc mình từng nghĩ, đó là cái đích đến cuối cùng mà cơ bản mỗi năm phải đạt được. Nhưng sau cùng, có lẽ kết quả không quan trọng bằng hành trình chúng mình đi đến ngày hôm nay.

Ngẫm lại thật chậm rãi những gì đã qua, chúng mình tự hào có cho mình một đội nhóm cùng chung đam mê về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Mình bay đến Đà Nẵng lúc 7h tối. Vì đi 6 người nên cả nhóm quyết định chọn ở dorm. Hostel Tango ở 99 Cao Bá Quát, gần Cầu Rồng dịch vụ tốt, thoải mái với khách, bọn mình chỉ ở 1 đêm đầu và đêm thứ 5 của chuyến đi rồi gửi vali hành lí lại các ngày còn lại. Chị chủ xinh xắn phúc hậu, thích vẽ và yêu đọc sách, cười cũng xinh nữa, huhu.

Thuê xe xong, cả nhóm kéo ra Mì Quảng Ếch – Bếp Trang (441 Ông Ích Khiêm). Mì Quảng ở đây theo ý kiến của mọi người là khá lạ vị so với nguyên bản. Nhìn chung mình không nghĩ một món ăn dân dã như Mì Quảng lại có thể nâng cấp cả về hình thức lẫn nội dung như vậy.

Chiếc mẹt tre nhỏ với thố ếch, lươn, cá đồng, thịt gà, thịt heo, nửa quả trứng hâm nóng đi kèm với rau sống và sợi mì vàng với chút hành, chút đậu phộng. Một phần thập cẩm như vậy 100.000 đồng theo mình là hợp lí. Ghé Cộng uống ly cà phê dừa, nghỉ ngơi nói chuyện kết thúc một buổi tối đầu tiên ở Đà Nẵng.

Sáng ngày 2 bọn mình xuất phát từ sớm, đi dọc theo con đường Nguyễn Tất Thành ven biển đổ về hướng đèo Hải Vân để đi Huế. Từ Đà Nẵng ra Huế, có hai cách lựa chọn, một là đi đường hầm qua đèo Hải Vân và hai là chọn chinh phục cung đường đèo dài 20km này. Tuy nhiên, nếu bạn nào thích một chút trải nghiệm thì mình nghĩ bạn nên đi đường đèo để cảm nhận hết được vẻ đẹp của thiên nhiên. Đường đèo không quá nhiều xe khách do hầu hết lựa chọn đi đường hầm tuy nhiên có rất nhiều xe bồn chở xăng dầu đặc thù không được phép qua hầm. Xe bồn chạy khá chậm nên mình nghĩ không có gì là quá nguy hiểm.

@vuonglingsoul

Trên đèo Hải Vân có nhiều thông do có khí hậu mát mẻ nhưng độc tôn duy nhất một mình “bé thông” chọi lõi một mình bên cung đường. Đứng ở tọa độ này nhìn xuống là toàn cảnh vịnh Lăng Cô.

Đây không phải lần đầu tiên mình đi cung đèo Hải Vân, lần này quay lại, mình vẫn thấy nó đẹp, xanh mướt, mát mẻ làm dịu hẳn cái nắng gắt của mùa hạ. Hải Vân quan là vị trí cao nhất của đèo Hải Vân, cao gần 500m so với mực nước biển.

Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm vừa kể (1306), thì ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa.
Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

Qua Hải Vân Quan một đoạn có một lối nhỏ xuống đường ray xe lửa. Đoạn đường xuống rất dốc và chất lượng mặt đường khá tệ, chỉ là con đường mòn nên cũng không có gì là lạ. Ngồi chờ mãi không thấy đoàn tàu nào đi qua, nắng nóng đừ đẫn, cả đám quyết định đi lên. Và rồi thì cái xui đầu tiên cũng đến, lần này là từ chiếc xe máy của 1 thành viên trong nhóm. Xe hư không leo dốc được, tiếng máy gầm rú “cạch cạch cạch” như tiếng xe máy cày, cảnh thiên nhiên đang nên thơ bị phá nát bởi âm thanh từ chiếc xe máy. Vừa rú vừa đẩy vừa lết lên từng đoạn nhỏ xíu. Lên đến nửa đoạn thì nghe tiếng còi tàu hú, nhưng mệt rồi, không ai có ý định chạy xuống nữa. Cuối cùng cũng tới mặt đường, thở hỗn hển, một trải nghiệm nhớ đời ở đèo Hải Vân.

Phải công nhận rằng màu nước biển ở Lăng Cô rất rất đẹp, mặt nước tĩnh lặng, không gian yên bình. Lăng Cô là một vịnh biển dài tuy nhiên chỉ có một góc nhìn xuống là đẹp nhất. Đi đèo mọi người nhớ canh góc này nhé.

Bọn mình ghé bún bò Phượng (548 Lạc Long Quân, Lăng Cô). Sợi bún nhỏ, nước lèo ngọt thanh giá 25.000 đồng/ tô.

@vuonglingsoul

Tiếp tục thẳng hướng quốc lộ 1A, nhóm mình đi đến Lăng Gia Long. Vì có vị trí nằm khá xa với nội thành Huế nên nhóm mình quyết định đi trước tiên. Đường đi xa hơn mình nghĩ rất nhiều, cảm giác trưa nắng nóng chạy hoài chạy mãi không tới. Từ đường to đến đường nhỏ, đường xi măng, đường đất đá, đường công trình, đủ kiểu đường vẫn chưa thấy đến Lăng. Lăng Gia Long không phải là nơi thường xuyên thu hút khách du lịch vì thế không vị thương mại hóa nhiều như các lăng khác nhưng nhóm mình vẫn quyết định đi vì muốn ghé thăm vị vua đã sáng lập ra Triều Nguyễn, nếu các bạn không có nhiều thời gian thì có thể bỏ qua không ghé cũng được.

Có hai cách để đến Lăng Gia Long:

  • Qua cầu phao do người dân tự làm tầm 4km là tới lăng, đây là đoạn đường ngắn giúp tiết kiệm thời gian hơn. Chỉ phù hợp với bạn nào đi xe máy thôi vì cầu phao không chịu được trọng tải lớn.
  • Đường này xa hơn vì phải đi đường vòng, qua cầu Tuần, đi theo hướng lăng Minh Mạng qua cầu Hữu Trạch khoảng 10km là tới.

Lăng Gia Long có kiến trúc rất đơn giản tuy nhiên lại có vị trí về phong thủy rất đẹp, nằm yên bình trên ngọn đồi cao nhất trong 42 ngọn đồi ở vùng núi Thiên Thọ. Lăng Gia Long là nơi duy nhất trong hệ thống lăng tẩm nhà Nguyễn mà vua và hoàng hậu được song tán theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức”, mộ vua bên trái còn mộ bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu bên phải.

Hôm đó không mở cửa cho vào thăm mộ, bên ngoài phần mộ bao bọc bởi Bửu Thành nên không nhìn thấy được bên trong, khá là tiếc.

Bên trái khu lăng mộ là Bi Đình nơi ghi công đức của Vua Gia Long với tấm bia ghi bài “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua Gia Long. Bi Đình nằm giữa đồi thông nhỏ, vừa bước lên thì thấy nguyên bàn chân tọt ra sau bia, giật bắn mình, hoảng quá không bước vô luôn dù biết là chắc ai đó canh gác đang nghỉ trưa thôi. Cũng ở Bi Đình, hay tin khóa luận được 9.7, đúng là cứ vui buồn xen kẽ.

Ăn trưa tại Cơm hến Hoa Đông (64 kiệt 7 Ưng Bình, Vỹ Dạ). Quán này chỉ có 1 chi nhánh duy nhất và nằm khá sâu trong đường Kiệt 7, nên đi ăn phải để ý kẻo nhầm với Hòa Đồng hay Hóa Đông là toi. Quán real bình dân, khá đông, phục vụ vui vẻ, nhiệt tình, có cơm, bún, mì, cháo. Mình gọi 1 tô cơm hến 15k nhìn rất hấp dẫn, hến ngập mặt, nêm nếm đậm đà. Vì đi từ sáng cũng khá mệt với giá cũng rẻ nên mình ăn thêm 1 tô cháo, mình thì thích ăn đồ nước nên rất ưng món này.

@vuonglingsoul

Con đường Lê Lợi ven sông Hương là khu vực không gian văn hóa của Huế với một loạt các công trình Công viên tượng đài cụ Phan Bội Châu, Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Văn hóa Phương Nam, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm dịch vụ Festival, Bảo tàng Hồ Chí Minh, ….

Điềm Phùng Thị là một nhà điêu khắc khá thú vị khi tất cả các tác phẩm của bà là sự phối hợp vô cùng linh hoạt và thông minh của 7 modull là 7 loại mẫu gỗ thừa trong xưởng mỹ thuật.

@vuonglingsoul

Có lẽ cái hay của nghệ thuật Điềm Phùng Thị là sự sáng tạo tột cùng chỉ với những hình tượng đơn giản mang đậm phong vị và triết lí phương Đông.  Những tác phẩm của Điềm Phùng Thị coi trọng hình tượng của người phụ nữ và đứa trẻ, bà không có con cái, vì thế trong tâm khảm của người nghệ sĩ, bà vẫn khắc khoải về sự trọn vẹn của một gia đình, những đứa trẻ với đủ mọi hoạt động sống hằng ngày được bà làm nên từ 7 modull mà theo Giáo sư Trần Văn Khê là “ 7 nốt nhạc”.

@vuonglingsoul

Chỗ này cách một đoạn ngắn từ Bảo tàng nghệ thuật Điềm Phùng Thị, gửi xe tốn hết 5.000 đồng, trời khát quá, xin luôn cô chủ quán ly nước trà đá, 6 đứa chụm vô, uống như được mùa.

Đây là nơi do hai vợ chồng nghệ sĩ, nghệ nhân là ông Võ Văn Quân và bà Hoàng Thị Xuân gầy dựng, kế thừa và sáng tạo nên. Ở đây chia thành nhiều gian phòng, mỗi gian phòng là một chủ đề khác nhau như: Đốt đèn soi niên sử, Tri Ân Đồ, Thay áo Sống – áo Chết, Di chúc của Mẹ, Hóa thạch sống, Hồ trở dạ, Lời ru của mẹ, Chái bếp người Huế, Người nắm giữ chìa khóa cửa sự sống (Mẹ), Bàn ăn Ẩm thực Hoàng Triều, Nỗi lo người mẹ Xứ Huế, … Nếu Điềm Phùng Thị khắc khoải hình ảnh những đứa trẻ thì XQ lại tôn vinh hình ảnh người mẹ rất sâu sắc.

Thực ra đi vô trong hơi Creepy nha, hoảng hồn mấy lần, hốt vía mấy bận đó.

@vuonglingsoul

Đến 5h cả đám ghé chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1601. Hoàng hôn buông dần xuống Thiên Mụ, xuống tháp Phước Duyên và con sông Hương như tăng thêm sự cổ kính và trang nghiêm của xứ Huế mộng mơ. Người ta cũng đồn rằng trai gái yêu nhau mà lên chùa thì sẽ “đứt gánh giữa đường” mà hên nhóm này toàn “ế bền vững” nên cũng chẳng sao 

@vuonglingsoul

Xong lịch trình tham quan về ăn tối tại quán Bà Đỏ. Cả đám vô mà như càn quét cái quán người ta, kêu quá trời món bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm, bánh ram ít, nem lụi. Ăn mấy cái này nhiều ở Sài Gòn mà chưa có chỗ nào bằng chỗ này. Nước mắm có hơi cay nhưng vừa chấm. Ra Huế mà không ăn ở đây là tiếc cả đời

Ăn nó nê nhóm ghé tham quan Phu Vân Lâu và Nghênh Lương Đình – hai địa danh được in trên tờ 50k của nước ta, Kỳ Đài và ngắm cảnh bên ngoài Hoàng thành và chụp choẹt với Ngọ Môn quan. Buổi tối người dân ra khu cổng trước Hoàng thành rất đông để trò chuyện, thả diều, dạo mát.

Bên trong Đông Khuyết Đài (@vuonglingsoul)

9h thay vì đi ăn chè Huế nhóm đi uống nước ở Đông Khuyết Đài – một quán cà phê nằm ở phía đông Hoàng thành Thăng Long.  Nước uống tạm ổn, tính ra cũng không quá mắc so với view Đại nội quá ư là đắc địa cộng với thái độ phục vụ dễ thương, lịch sự và niềm nở. Ở đây cũng có bán nhiều quà lưu niệm. Cuối tháng 8 này quán mới khai trương chính thức nên nhìn bên ngoài rất khó thấy, lưu ý muốn vô Đài thì quẹo vào cổng Tây Hoàng thành, đừng để chị Google lừa là mệt. 

Bài viết được thực hiện bởi: Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (Bơ Bơ) – Vương Khánh Linh

Leave a comment