Vượt qua trạng thái “trầm cảm sau du lịch” sau các chuyến đi


Post Travel Blues là một thuật ngữ nói về hiện tượng trầm cảm sau khi đi du lịch. Đây là một điều rất thực tế, không chỉ với riêng mình mà còn khá phổ biến với mọi người.

Tại sao lại có trạng thái cảm xúc này sau các chuyến du lịch?

Khi ở một môi trường mới mẻ và xa lạ, không phải những điều bình thường mà hằng ngày bạn trải qua. Các giác quan của bạn sẽ hoạt động với một cường độ cao hơn và cảm nhận mọi thứ xung quanh sâu sắc hơn, dòng cảm xúc cũng vì thế mà trở nên mãnh liệt vô cùng. Khi các giác quan được thỏa mãn, chúng sẽ “phản ứng” mãnh liệt hơn với các kích thích. Trong một thời gian nhất định, bạn đang quen dần với các kích thích đó thì bỗng dưng một ngày bạn quay lại một nơi cực kì thân quen, các kích thích đó sẽ giảm đi và bạn dần trở nên u uất hơn

Trước chuyến đi, bạn nôn nao, háo hức mong đợi từng ngày. Ngày nào cũng là một ngày bận rộn với kế hoạch đi chơi, lịch trình, điểm đến, … và bạn hăng say trong cái cảm xúc bất tận của sự ngóng trông.

Trong chuyến đi, bạn tranh thủ tối đa thời gian để có trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đến những nơi mà trước đây chưa bao giờ bạn dám mơ đến, gặp những người khác xa cô bác hàng xóm cạnh nhà bạn, ăn những món đầy đủ mặn, ngọt, chua, cay,… và bạn ngất ngây hưởng thụ chuyến hành trình của mình.

Nhưng

Sau chuyến đi thì sao?

Hãy tưởng tượng một chút nhé!

Sau khi đáp chuyến bay về, bạn chạy thật nhanh về nhà với cả đống quà cáp trên tay, hàng chục câu chuyện muốn kể cho bạn bè, người thân nghe, hàng trăm tấm ảnh mà bạn chắt chiu từng khung ảnh,… và bước vào nhà.

Điều đầu tiên bạn thấy sau cánh cửa là gì?

Bố mẹ bạn vẫn đang xem tivi trận đấu cuối cùng của mùa giải, đứa cháu vẫn đang học bài, anh chị bạn vẫn đang lù bù trong hàng tá công việc bận rộn. Bạn mở điện thoại lên và nhìn thấy một sớ tin nhắn dài ngoằng hối thúc bạn phải quay lại công việc.

Và bạn bắt đầu chùn cảm xúc lại. Mọi người vẫn thế, vẫn cuộc sống thường ngày và thật buồn khi có vẻ không ai hào hứng với các câu chuyện của bạn. 4 góc tường quen thuộc, cái mùi gối đệm lâu ngày không có hơi người, không còn cảm giác những ngày tháng bay nhảy quên đường đi lối về và áp lực cuộc sống.

Chuyến đi kết thúc thật rồi! Bạn đang rơi vào trạng thái hụt hẫng vô tận. Tệ hơn là bạn sợ phải quay lại học tập, công việc, các thói quen như tập gym, giảm cân,… bạn chỉ thấy bản thân chán nản, chỉ ước rằng mình đang ở một nơi nào đó du lịch và hoàn toàn thoát khỏi nơi đây.

Đây là tâm lí chung bình thường mà ai cũng trải qua sau chuyến đi, hãy chuẩn bị trước tâm lí này và từ từ vượt qua nhé!

1. Đừng mong đợi một ai đó hiểu và chia sẻ niềm vui với bạn

Mỗi người có một mối bận tâm riêng, có thể với bạn du lịch là điều gì đó rất kì diệu, là việc mà ai cũng nên trải nghiệm trong đời. Bạn thần thánh hóa những thứ mà du lịch mang lại cho bạn và buộc những người xung quanh cũng phải đồng ý và chia sẻ điều đó với bạn.

Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ những điều mà bạn cho là tốt đẹp nhưng phản ứng của mọi người có thể không đạt kì vọng của bạn và chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó mà thôi!

Hãy hạ bớt những kì vọng thì bạn sẽ không phải thất vọng.

2. Nuôi dưỡng cảm xúc

Thật khó khi ép bản thân phải quay về cuộc sống trước khi đi sau một quãng thời gian dài bạn tạm rời xa. Cảm xúc cũng cần được thích nghi từ từ với hiện tại.

Bạn có thể viết nhật kí hành trình, viết blog, chỉnh sửa các tấm ảnh, nghe bản nhạc mang đậm phong cách của vùng miền đó… những việc này giúp bạn vẫn còn một mối liên hệ nhẹ nhàng với chuyến đi. Hãy làm bất cứ điều gì để giữ cho bạn kết nối với những cảm hứng từ chuyến du lịch của bạn.

Đây là cách mình hay sử dụng để điều chỉnh lại cảm xúc sau khi đi du lịch về. Theo mình đây là cách cực kì hiệu quả để bản thân chấp nhận dần thực tại. Mình thích đăng ảnh trên Instagram, chia sẻ kỷ niệm chuyến đi trên Blog cá nhân, lưu ý các kinh nghiệm du lịch trên Facebook,… nó giúp mình cảm giác rằng mình vẫn đang tận hưởng mọi thứ.

Hãy hẹn gặp nhóm bạn vừa đi cùng bạn, đây là những người cùng quan điểm và niềm yêu thích với du lịch. Ngồi bên nhau, kể lại mấy câu chuyện vui cũ, bàn về những dự định mới sắp tới. Dư âm cũ sẽ được chia sẻ đúng người, đúng thời điểm mà bạn muốn.

Mình chọn cuộc sống 50% công việc, 50% du lịch dù là trong suy nghĩ.

3. Quay lại dần với các thói quen

Khi đi du lịch, bạn có thể thoải mái ngủ đến 8 giờ và về khách sạn lúc 11, 12 giờ đêm, không cần phải đến phòng tập gym, không phải làm bài tập về nhà cũng chả cần quan tâm đến mớ công việc ở công ty.

Tuy nhiên, hãy xác định rằng, bạn đã thực sự về nhà, về trường, về công ty. Nếu khó khăn quá, bạn hãy từ từ bắt đầu lại từng thứ một. Bạn không cần phải ôm đồm mọi thứ với cường độ cao, điều này khiến bạn dễ bị stress và buông bỏ.

Hãy bắt đầu với các công việc chung, đội nhóm, có liên quan đến nhiều người. Mọi người có thể giúp bạn giải tỏa một phần tâm trạng, chia sẻ công việc với bạn và giúp bạn bắt kịp lại nhịp độ ở công ty, trường lớp.

Sau đó nhớ quay lại với các thói quen của bản thân. Rèn luyện sức khỏe, ngủ đúng giấc, ăn uống điều độ, giúp đỡ gia đình,… cố gắng từng chút để mọi thứ quay lại guồng vận hành cũ trước đây.

Thói quen vẫn ở đấy, chỉ cần làm quen lại thôi!

4. Hãy yêu những gì ở hiện tại

Chiếc giường khách sạn sẽ không thể nào thoải mái như ở chính trên chiếc giường của bạn. Những chuyến đi cũng không cho phép bạn gần gũi với thú cưng của bạn. Có rất nhiều thứ mà chỉ khi ở nhà, bạn mới có thể làm được, vậy thì tại sao bạn không tận hưởng không khí thoải mái và vui vẻ này.

Thành phố bạn đang sống vẫn đang chờ bạn khám phá, mấy hàng quán nhỏ ven đường, cô hàng rong hay cười, những làng nghề sắp phải đi quên lãng, bào tàng lịch sử, … hay đơn giản bạn chỉ cần tìm một chỗ nào để trốn cùng người bạn thương tại chính nơi cả hai đã “có duyên” đến bên nhau.

Hãy yêu nơi bạn sống với tâm hồn của một “khách du lịch”

Đôi khi bạn quên rằng, nơi mình đang sống cũng là niềm mơ ước của bao nhiêu người khác. Sao không tận hưởng cho bằng hết vẻ đẹp nơi đây.

5. Chia sẻ kinh nghiệm

Chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân, truyền cảm hứng của bạn cho những người xung quanh và khuyến khích mọi người hãy làm thử những điều mới mẻ. Khi đó, mọi người sẽ dần hiểu ra những thứ bạn đã trải qua, khoan dung và thấu hiểu cùng bạn hơn.

Nếu bạn đã từng ngắm được khoảnh khắc mặt trời mọc tuyệt đẹp và nhận ra rằng thật đáng phải dậy sớm để có thể trải nghiệm được khung cảnh đẹp đẽ đó thì hãy thúc đẩy mọi người thức dậy cùng bạn để đón bình minh, cho dù có đi du lịch hay là tại nhà.

Hợp nhất kinh nghiệm từ những chuyến đi với cuộc sống thường ngày là giá trị bền vững nhất mà du lịch mang lại cho mình.

6. Bạn vẫn có thể tiếp tục những chuyến trải nghiệm khác

Khi về nhà, mình hay ước rằng chuyến đi của mình có thể kéo dài thêm một chút hoặc mình thường nuối tiếc khi không kịp đến một nơi nào đó. Hay tệ hơn là mình tự hỏi liệu đến bao giờ mới có thể đi được như vậy nữa.

Không sao cả, vẫn còn những dự định rất dài phía trước, thay vì mãi mong ngóng về quá khứ, mình tin rằng còn nhiều điều tốt đẹp vẫn đang chờ mình phía trước. Mình lại lên những kế hoạch khác, đi làm kiếm tiền, tiết kiệm tiền, tìm kiếm những vùng đất mới. Sẽ có 1 list dài ngoằng những nơi mình mơ ước muốn chạm đến.

Vì ngoài kia là bao la thế giới để chạm lấy và thế giới luôn chờ đợi bạn!

Nếu bạn vẫn đang vật vã sau khi về nhà, nhìn chằm chằm vào mớ hành lí, ôm khư khư những cảm xúc khi đi và chán nản với mọi thứ thì hãy bước ra khỏi nhà, khám phá cuộc sống thường nhặt bằng một tinh thần phiêu lưu và khao khát chinh phục. Biết đâu đó bạn sẽ gặp những người bạn cùng chung chí hướng hay một ý tưởng điên rồ nào đó cho chuyến đi lớn sắp tới thì sao.

Leave a comment